Triển vọng lạc quan với ngành thép trong năm 2024

09/01/2024

Vượt qua những trầm lắng, đảo chiều liên tục của thị trường năm 2023, bước sang năm 2024, các chuyên gia dự báo, nhu cầu thép sẽ dần được cải thiện nhờ tác động của các chính sách vĩ mô và chuyển động tích cực của nền kinh tế.

Thị trường xây dựng BĐS (chiếm 60% nhu cầu thép) đang kỳ vọng dần được tháo gỡ trong năm 2024 bởi tác động từ những chính sách mới.

Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối năm 2023, dù có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, nhưng với những điểm mới, quy định mới có lợi cho người dân, những tác động được kỳ vọng sẽ đến sớm hơn tới thị trường BĐS và nhà ở.

Đáng chú ý, vừa qua Bộ Xây dựng đã đưa ra các đề xuất và giải pháp gỡ khó cho ngành VLXD nói chung và ngành thép nói riêng. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn.

Đặc biệt, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như ĐBSCL.

Bộ Xây dựng cũng tiếp tục có những động thái tích cực tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhà ở. Các thông báo phát đi đều nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tiết giảm cho phí sản xuất.

Điều này sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như thép, VLXD, cơ khí… Theo đó, trong năm 2024, giải ngân đầu tư công sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó, góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, sự thay đổi tích cực trong bức tranh kinh tế vĩ mô và dự kiến tăng trưởng kinh tế là những tín hiệu tích cực tác động đến thị trường BĐS trong thời gian tới. Thị trường có thể đảo chiều từ quý III/2024 và khởi sắc từ quý II/2025, sau khi các Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực và đi vào cuộc sống.
Nhiều doanh nghiệp thép đã bắt đầu chuyển lỗ thành lãi từ quý III/2023 vừa qua, bức tranh phục hồi của ngành này đang dần sáng.

Ngoài ra, ngành thép cũng có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2024 nhờ sự tác động từ thị trường quốc tế.

Theo dự báo của Hiệp hội thép thế giới (WSA), giá thép thế giới trong năm 2024 dự kiến tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ trong bối cảnh nhu cầu hồi phục và nguồn cung thắt chặt. Về nhu cầu, WSA dự báo nhu cầu thị trường phục hồi hơn 6% trong 2024 nhờ nhu cầu tăng nhẹ từ ngành Xây dựng và sản xuất ô tô. Bên cạnh đó, EU, Ấn Độ được dự báo sẽ là điểm sáng tiêu thụ thép trên thế giới trong bối cảnh chính phủ các nước này dự kiến giải ngân 120 tỷ USD cho đầu tư công trong năm tới.

Với thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp thép đã bắt đầu chuyển lỗ thành lãi từ quý III/2023 vừa qua, bức tranh phục hồi của ngành này đang dần sáng khi nhu cầu tiêu thụ được cải thiện và giá thép đã chấm dứt xu hướng giảm, chuyển sang xu hướng tăng.

Dự báo về triển vọng ngành thép năm 2024, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA cho biết, lượng tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 7% lên 21,7 triệu tấn. Sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.

Cụ thể, nhu cầu thép kỳ vọng sẽ tăng mạnh trở lại khi đầu ra là thị trường BĐS hồi phục từ năm 2024. Các dữ liệu mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù giao dịch căn hộ, chung cư, đất nền trong quý III/2023 mới bằng khoảng 73% so với cùng kỳ nhưng đã tăng 24,7% so với quý II/2023. Bên cạnh đó, số lượng dự án xây dựng hoàn thành và đang xây dựng đều tăng lại so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, theo dự báo của WSA, nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới trong năm 2023 hồi phục nhẹ ở mức 1,8% và tiếp tục tăng trưởng 1,9% vào năm 2024. Trong đó, sự hồi phục đáng kể ở các quốc gia châu Âu, châu Á, Mỹ…Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu thép tại các quốc gia chủ lực như Mỹ, EU có tốc độ hồi phục tốt trong 9 tháng năm 2023, tính từ đáy quý IV/2022. Nhu cầu nhập khẩu được kỳ vọng có thể tiếp tục duy trì tích cực trong các quý tiếp theo trong bối cảnh chênh lệch giá bán nội địa EU, Mỹ và khu vực châu Á đang ở mức cao.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) dự báo trong năm 2024, giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (tăng 8% so với năm 2023) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.

MBS cho rằng, nhờ các chính sách hỗ trợ có thể phục hồi thị trường BĐS từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.

Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại EU và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% trong năm 2024 giúp biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp xuất khẩu thép cải thiện.

Nhìn chung, năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Xung đột quân sự Nga – Ucraina vẫn tiếp diễn cùng với bất ổn gia tăng tại Trung Đông. Nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm trong khi thị trường tài chính tiền tệ, BĐS tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở các quốc gia làm cho sản xuất và tiêu dùng mất cân đối.

Tại Việt Nam, ngành VLXD nói chung, ngành thép nói riêng đã phải trải qua những chu kỳ tăng giảm đầy biến động và thách thức do chịu tác động trực tiếp từ những nguyên nhân trên.

Mặc dù khó khăn còn ở phía trước, nhưng triển vọng lạc quan vẫn khá rõ với ngành thép khi danh sách các dự án mới sẽ triển khai trong năm 2024 đang ngày một nối dài thêm sau những động thái tích cực và hiệu quả của Chính phủ.

Nguồn: Tổng hợp

  • Chia sẻ: