Tiếng Việt
Sau nhiều thông tin về giảm lãi suất, bơm vốn đầu tư ngân sách vào nền kinh tế, ghi nhận ở các DN cho thấy, sức tiêu thụ của ngành này vẫn chưa khởi sắc trở lại.
Ông Đỗ Duy Thái, đại diện Pomina (POM) cho biết, sức tiêu thụ thép toàn thị trường giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. “Chưa có dấu hiệu các chính sách hỗ trợ tăng trưởng gần đây tác động tới tiêu thụ của ngành thép. Lãi suất giảm nhưng chỉ một số DN lớn vay được vốn lãi suất thấp; các nhà phân phối, bạn hàng của chúng tôi vẫn chịu lãi suất khá cao”, ông Thái nói.
Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ giảm, nên từ đầu năm đến nay, nhiều DN thép duy trì tỷ lệ tồn kho ở mức thấp. Tuy nhiên, xét trên bình diện toàn thị trường, theo số liệu của Hiệp hội Thép, thép tồn kho hiện là 315.000 tấn, dù đã giảm 22% so với cùng kỳ năm trước và giảm 11% so với đầu năm, nhưng lượng tồn kho thép vẫn phải giảm 20% nữa để về mức bình thường là 250.000 tấn.
Theo khảo sát của CTCK HSC, thời điểm cuối tháng 5, POM tồn kho 40.000 tấn (gần bằng sản lượng thép sản xuất trong 3 tuần của Công ty), giảm 46% so với cùng kỳ năm trước và giảm 31% so với đầu năm. Đại diện POM cho biết, mặc dù sản lượng tiêu thụ của Công ty không giảm, nhưng lợi nhuận giảm do giá bán thấp và nhu cầu tiêu thụ yếu.
POM chuẩn bị đưa nhà máy phôi công suất 1 triệu tấn/năm vào hoạt động trong tháng 7 tới, khi kết thúc giai đoạn chạy thử. Đây là nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á và công nghệ tiên tiến, nên sẽ cạnh tranh được phôi nhập khẩu, góp phần giảm giá đầu vào của các nhà máy cán thép trong nước.
Lượng tồn kho của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tại thời điểm cuối tháng 5 là 17.500 tấn (bằng sản lượng thép sản xuất trong 10 ngày của Công ty), giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và giảm 49% so với đầu năm.
Theo HPG, với lãi suất và giá nguyên liệu đầu vào giảm nhanh trong thời gian gần đây, các DN đã có thể giảm tiếp giá bán để giải phóng bớt hàng tồn kho mà không làm ảnh hưởng tới tỷ suất lợi nhuận. Từ đó, sẽ tạo đáy về cả giá và nhu cầu trong chu kỳ hiện tại. Trên thị trường thế giới, giá thép phế giảm 3,6% so với đầu năm, xuống còn 455 USD/tấn.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho có thể gặp khó khăn, vì sắp bước vào tháng thấp điểm của tiêu thụ thép theo chu kỳ là tháng 8 và tháng 9.
Đối với ngành hàng tôn thép thì dường như nhu cầu tiêu thụ không bị ảnh hưởng nhiều, dù thị trường đóng băng. Nhu cầu tiêu thụ tôn thép từ thị trường dân sinh vẫn duy trì ổn định, mặc dù giá bán khó tăng do các DN đẩy mạnh bán hàng để giảm tiêu thụ tồn kho. Các DN ngành hàng tôn thép đang hướng đến xuất khẩu nhiều hơn để giảm rủi ro của thị trường trong nước.
Các DN ngành thép được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trước tiên từ các gói hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trao đổi với ĐTCK, hầu hết DN đều tỏ ra thận trọng trước nhu cầu tiêu thụ thép trong thời gian tới, cũng như khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận năm 2012.