Nhiều dự án nhiệt điện trong quy hoạch có nguy cơ bị chậm tiến độ

16/12/2020

Báo cáo cập nhật về các dự án nguồn điện của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho thấy: nhiều dự án Nhiệt điện đang rơi vào tình trạng "chưa rõ tiến độ" vận hành và có nguy cơ chậm tiến độ hoặc bị hủy

Hiện chúng ta có tới 13 dự án nguồn điện, với tổng công suất 17.040 MW đã được quy hoạch, nhưng không thể đưa vào vận hành phát điện (trong giai đoạn 2026 - 2030), một số dự án sẽ chuyển sang sau năm 2030. Nguyên nhân “chưa rõ tiến độ” là do thiếu vốn, hoặc chuyển đổi nhiên liệu, chuyển đổi chủ đầu tư, chủ đầu tư xin trả lại, hoặc không lựa chọn được địa điểm, v.v…  


Các dự án được cho là sẽ bị loại bỏ:

Cụ thể, dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 3 (1.200 MW), dự án Nhiệt điện Cẩm Phả 3 (440 MW), hiện vẫn chưa có địa điểm.

Nhiệt điện Long Phú 2 (1320 MW - BOT), chủ đầu tư TATA Power (Ấn Độ) đã xin hoàn lại và được Thủ tướng chấp thuận.

Nhiệt điện Vũng Áng 3 (1.200 MW - BOT), chủ đầu tư Samsung C&T đã xin hoàn lại và được Thủ tướng chấp thuận. Với dự án này, mới đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có đề xuất xin chuyển sang tuabin khí dùng LNG nhập khẩu.

Nhiệt điện than Tân Phước 1 (1.200 MW), Tân Phước 2 (1.200 MW) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, cũng như các dự án nhiệt điện than Long An 1 (1.200 MW) và Long An 2 (1.600 MW) đang được đề xuất chuyển sang nhiệt điện chạy khí LNG.

Còn với dự án Nhiệt điện Hải Phòng 3, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chưa triển khai. Trong Quy hoạch điện 8, dự án này dự kiến chuyển sang nhiệt điện khí LNG nhập khẩu và Cảng - kho LNG sẽ được xây dựng tại Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng.

Các dự án sẽ lùi sau năm 2030 hoặc chưa rõ khả năng thực hiện:

Nhiệt điện Long Phú 3 (3 x 660 MW) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chuyển chủ đầu tư BOT. Chủ đầu tư mới là Công ty Banpu Power Public Limited (Thái Lan). Dự án này hiện nay đang triển khai giai đoạn ban đầu.

Nhiệt điện đồng phát Hải Hà (2.100 MW) được đầu tư theo hình thức IPP (nguồn phát điện độc lập - chủ yếu cấp điện và hơi trong nội bộ Khu công nghiệp Hải Hà) của Công ty Texhong, hiện vẫn chưa triển khai. Dự án này dự kiến sẽ lùi thời gian vận hành sau 2030, hoặc dừng.

Nhà máy nhiệt điện Long Phú 3 (ảnh đồ họa)

Về dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (1.200 MW), hiện TKV vẫn chưa triển khai và cũng chưa huy động được vốn. Còn Quỳnh Lập 2, hiện EVN đang đề xuất chuyển chủ đầu tư sang Tổng công ty Phát điện 1. Cả hai dự án này dự kiến sẽ lùi thời gian vận hành sau 2030.

Như vậy, ít nhất đến năm 2030 có trên 10.500 MW nhiệt điện than sẽ bị loại bỏ, chuyển sang nhiên liệu khí. Còn lại 4 dự án điện than, tối đa 6.500 MW chỉ có thể vào sau năm 2030, hoặc không phát triển nữa.

  • Chia sẻ: