Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho hay có 16 dự án với tổng công suất 615,9MW kịp phát điện thương mại (COD) trước ngày 1/11. Với mỗi MW điện hoà lưới, các dự án đóng góp ngân sách cho địa phương khoảng 400 đến 700 triệu đồng.
16 nhà máy điện gió gồm Hướng Tân, Tân Linh, Liên Lập, Gelex 1, Gelex 2, Gelex 3, Hướng Linh 7, Hướng Linh 8, Amaccao Quảng Trị 1, Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3, Tài Tâm, Hoàng Hải, Phong Huy, Phong Liệu, Phong Nguyên.
Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11 năm nay và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Ông Võ Duy Tấn, Tổng giám đốc công ty Phong Liệu, cho hay dự án này được công nhận COD ngày 27/10. Dự án có công suất 48MW, mỗi năm có lợi nhuận trước thuế là 300 tỷ đồng.
Tương tự, ông Lê Văn Thăng, phụ trách các dự án điện gió Gelex 1, Gelex 2, Gelex 3, Hướng Phùng 2, và Hướng Phùng 3, cho hay 5 dự án này kịp COD vào ngày 28 và 29/10.
Ngoài 16 dự án trên, Quảng Trị còn có 13 dự án khác đang triển khai thi công, khảo sát, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, giải phóng mặt bằng, thu hồi, giao đất.
Vào cuối tháng 9, Sở Công Thương Quảng Trị dự kiến 18 dự án điện gió sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay có 2 dự án là Hướng Linh 2 và Hướng Hiệp 1 không kịp tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc đi lại, cách ly của các chuyên gia bị chậm, cộng với mưa bão cuối tháng 10.
Nguồn : vnexpress.net